Đức Thánh Cha Phanxicô, nhà lãnh đạo tinh thần của hơn một tỷ người Công Giáo trên toàn thế giới, đã qua đời vào sáng nay lúc 7:35 sáng, ngày 21 tháng 4 năm 2025, sau một thời gian dưỡng bệnh sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng. Cái chết của ngài, được Đức Hồng Y Kevin Farrell, là nhiếp chính thông báo trực tiếp từ nhà nguyện Casa Santa Marta vào khoảng 9:53 sáng, đánh dấu sự kết thúc của một triều đại Đức Giáo Hoàng có ảnh hưởng sâu sắc kéo dài 12 năm.
“Anh chị em thân mến, với nỗi buồn sâu sắc, tôi phải thông báo về sự ra đi của Đức Thánh Cha Phanxicô,” Đức Hồng Y Farrell, người chịu trách nhiệm về các vấn đề của Vatican trong thời gian tạm quyền của Đức Giáo Hoàng, cho biết. “Vào lúc 7:35 sáng nay, Đức Giám Mục Roma, Phanxicô, đã trở về nhà của Chúa Cha.”
Việc chuẩn bị tang lễ và ngày diễn ra mật nghị bầu người kế nhiệm Đức Phanxicô dự kiến sẽ được công bố trong những ngày tới.
Đức Phanxicô, tên khai sinh là Jorge Mario Bergoglio sinh tại Buenos Aires, Á Căn Đình, vừa kỷ niệm 12 năm ngày được bầu làm Đức Giáo Hoàng vào ngày 13 tháng 3. Triều đại Đức Giáo Hoàng của ngài được đánh dấu bằng sự tập trung không ngừng vào lòng thương xót, chăm sóc những người thiệt thòi và kêu gọi toàn cầu về công lý xã hội và môi trường.
“Toàn bộ cuộc đời của ngài được dành để phục vụ Chúa và Giáo hội của Người,” Đức Hồng Y Farrell nói tiếp. “Ngài dạy chúng ta sống các giá trị của Phúc âm với lòng trung thành, lòng can đảm và tình yêu thương phổ quát—đặc biệt là đối với những người nghèo nhất và bị loại trừ nhất.”
Có mặt tại nhà nguyện trong thông báo ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc này là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Nhà nguyện, tọa lạc tại nơi ở của Đức Giáo Hoàng, từ lâu đã là nơi cầu nguyện và chứng kiến thầm lặng của ngài.
Sinh năm 1936, Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành Đức Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Châu Latinh và là Đức Giáo Hoàng đầu tiên của Dòng Tên. Sự giản dị và cởi mở của ngài đã khiến ngài được ngưỡng mộ vượt xa các cộng đồng Công Giáo. Quyết định không sống trong Điện Tông tòa, ngài vẫn ở trong Casa Santa Marta trong suốt triều Giáo Hoàng của mình — một biểu tượng lặng lẽ nhưng nổi bật về cam kết của ngài đối với sự khiêm nhường và dễ tiếp cận.
Ngài sẽ được nhớ đến với các thông điệp Laudato si’, kêu gọi sự chăm sóc mới cho tạo vật, và Fratelli tutti, một lời kêu gọi tình huynh đệ vượt qua mọi biên giới của con người. Ngài thường nhấn mạnh rằng Giáo hội phải là “một bệnh viện dã chiến sau trận chiến”, chăm sóc vết thương thay vì đưa ra lời lên án.
Mặc dù thường là chủ đề chỉ trích – từ cả hai phía bảo thủ và cấp tiến – Đức Phanxicô vẫn kiên định trong đường lối mục vụ của mình. Ngài luôn kêu gọi một Giáo hội “tiến lên”, phản ánh hành trình của chính Chúa Kitô với những người bị lãng quên và dễ bị tổn thương.
Đức Hồng Y Farrell phát biểu: “Với lòng biết ơn sâu sắc vì chứng tá của ngài như một môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, chúng tôi phó thác linh hồn Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho tình yêu thương vô hạn của Thiên Chúa Ba Ngôi”.
Vatican hiện đang chính thức trong thời kỳ sede vacante, thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng. Các sắp xếp tang lễ và ngày diễn ra mật nghị bầu người kế nhiệm Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ được công bố trong những ngày tới. Cho đến lúc đó, tiếng chuông sẽ vang lên và lời cầu nguyện sẽ dâng lên ở mọi ngóc ngách trên thế giới nơi tiếng nói của ngài đã từng vang đến — kêu gọi mọi người đến với lòng thương xót, gặp gỡ và niềm vui.
Nguồn: https://vietcatholic.net/News/Html/295351.htm