Đời sống con người trên trần gian có nhiều rào cản phải đối diện, và thường thì sớm muộn, cách này hay cách khác vượt qua được. Nhưng có một rào cản mà không ai vượt qua được: sự chết!
Không ai là con người còn đang sống sinh hoạt muốn nói đến điều này. Nhưng nó lại là thực tế của đời sống trong dòng thời gian lịch sử nhân loại. Vì xưa nay nào đã có ai thoát khỏi hay bài trừ được bước ải rào cản này đâu!
Sự chết là một đề tài cấm kiêng kỵ. Hầu như ai cũng cúi đầu nín lặng không muốn đề cập đến. Vì thấy mình bất lực cùng cảm thấy lúng túng, không thể nói về điều đau buồn cùng không hiểu biết gì cả.
Hằng năm Hội Thánh Công Giáo dành tháng Mười Một tưởng nhớ cầu nguyện cho các người đã qua đời. Cầu nguyện cho họ, qua đó nói lên tâm tình xác tín: Người tín hữu Chúa Kitô, chúng ta là con người đang sống dọc đường gío bụi trần gian, nhưng một ngày nào đó cũng phải chết, như những người đã chết trước chúng ta!
Các tín hữu Chúa Kitô thuở Hội Thánh lúc ban đầu có xác tín: sự chết thuộc về đời sống con người! Nhưng họ đã sống dựa trên niềm tin cùng niềm hy vọng vào Chúa, như lời Chúa Giesu Kitô đã nhắn nhủ: Thầy là sự sống lại và là sự sống!
Gia đình Lazaro, theo như phúc âm thuật lại, quen thân với Chúa Giêsu Kitô. Dọc đường rao giảng nước Thiên Chúa khi nghe tin người bạn Lazaro đã qua đời, Chúa Giêsu đi đến Betania, nơi nhà Lazaro ở. Nhưng Lazaro đã chết bốn ngày trước đó rồi: một người thanh niên qua đời qúa sớm đang còn trẻ tuổi! Tình trạng như thế thật thảm thương cho mọi người. Chính Chúa Giêsu cũng đã thổn thức nghẹn ngào trong dòng nước mắt chảy dài trên đôi gò má… Và Ngài còn phải đối diện với sự hoài nghi đau buồn hoàn cảnh đau buồn tang tóc, sự giận dữ của thân nhân người qúa cố: Martha.
Martha, chị của Lazaro đặt thắc mắc cũng là lời khiển trách với Chúa Giêsu: Nếu Thầy mà có mặt ở đây, em con đã không phải chết? Thầy ở đâu vậy, lúc chúng tôi trong cơn chao đảo bối cần đến sự trợ giúp của Thầy…?
Câu thắc mắc tại sao như thế này luôn được đặt ra từ muôn thuở và sẽ còn luôn mãi nữa, mà con người không sao hiểu nổi Thiên Chúa nguồn sự sống. Nhất là khi người thân yêu ruột thịt chết lúc còn trẻ tuổi: Tại sao vậy? Chúa ở đâu vậy?
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của Martha vang lên âm hưởng nhiệm mầu lạ lùng: Em con sẽ sống lại! và ngài còn nói tiếp: Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, sẽ sống cả khi người đó đã chết. Và ai tin vào Thầy, sẽ không chết đời đời!”
Câu trả lời của Chúa Giêsu Kitô là trung tâm chính yêu của đức tin, cùng là căn bản của niềm hy vọng. Chúng ta người Kitô hữu, cho dù sự chết là số phận con người, nhưng luôn có một niềm hy vọng. Niềm hy vọng này mạnh hơn sự chết. Niềm hy vọng của chúng ta có tên: Chúa Giêsu Kitô. Trong sự chết và sự phục sinh sống lại Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng sự chết. Ngài là sự sống lại và là sự sống.
Chúng ta có một niềm hy vọng mạnh mẽ : Chúa Giesu Kitô. Điều Chúa Jesus Kitô nói nơi nấm mồ của Lazaro, cũng là điều Ngài nói với chúng ta: Con sẽ sống lại! Và trên căn bản đó cũng là điều xác tín sâu thẳm của con người tín hữu Chúa Kitô trong hoàn cảnh tang tóc đau buồn, vì người thân yêu ruột thịt đã qua đời: Người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người anh chị em, người con của Bạn, của tôi sẽ sống lại!
Người tín hữu Chúa Kitô chúng ta được phép khắc ghi trong tâm khảm điều chúng ta tin: Chúa Giêsu Kitô là sự sống lại và là sự sống. Như Martha, chị của Lazaro chân nhận: Vâng, thưa Thầy, con tin Thầy là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, là sự sống của chúng con!
Theo tập tục đạo đức và văn hóa, con người xưa nay tưởng nhớ cầu nguyện cho người qua đời, và con người cũng nói chuyện cầu nguyện với người đã qua đời, trong niềm hiệp thông cùng một đức tin như lời tuyên xưng trong kinh Tin Kính ” Tôi tin các thông công, tôi tin kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen!
“Qua kinh nghiệm cầu nguyện với các người đã qua đời, tôi thấy sự hiệp thông trong Hội Thánh mở ra một chiều kích mới
Có những chân lý được người chết nhắc nhở.
Có những tình hình được người chết báo động.
Có những ơn lành được người chết bầu cửa cho.
Tôi coi một số người đã qua đời là những người thân gần gũi. Họ và tôi cùng chung một lý tưởng. Họ và tôi cùng chia sẻ một chuyến đi. Họ đi trước. Tôi đi sau. Kẻ trước người sau đều nhắm vào một đích điểm là nhà Cha. Chúng tôi luôn nâng đỡ nhau, luôn cầu nguyện cho nhau,.” (Cố Giám mục GB. Bùi Tuần)
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Nguồn: https://vietcatholic.net/News/Html/290908.htm